Thursday, February 4, 2016

Giới thiệu món ăn ngày tết: Măng kho thịt

Trong 3 ngày tết của Bình Thuận có thể nói, măng kho thịt là món ăn truyền thống mang đậm tính dân giã nhưng không kém phần hấp dẫn. Vì vậy người dân Bình Thuận chuẩn bị các món ăn ngày tết bao giờ cũng không thể thiếu món măng kho thịt.
Bình Thuận với đặc điểm nhiều rừng núi, trong đó tre mọc tự nhiên thành rừng với những diện tích rộng lớn hầu như có rất nhiều trên những mãng rừng của Bình Thuận. Chính vì vậy, khi mùa mưa đến, măng bắt đầu mọc là người dân chuẩn bị lên rừng xắn măng. Măng Bình Thuận có nhiều chủng loại từ măng le đến măng lồ ô rồi tre gai, mỡ, tàu, tre đá (tre mọc trên đá), mỗi loại tre đều cho từng loại măng có chất lượng khác nhau nhưng có thể nói nhiều nhất là măng le, măng tre gai, tre mỡ và tre lồ ô (măng lớn nhất).
Măng được xắn về, số nào để bán chợ ăn tươi còn lại hầu như đều được luộc phơi khô cho ngày tết.
Măng Tươi sau khi đào được bóc bỏ hết vỏ. Rửa sạch, cắt bỏ phần gốc già (nếu có). Và điều quan trọng là Măng sau khi đào, nên làm măng khô ngay, đừng để quá lâu, măng bị ủng không còn tươi ngon nữa
Măng củ tươi phải xắc miếng trước khi đem luộc, như vậy măng khô mới có chất lượng tốt nhất. Chứ đừng nên luộc cả củ rồi mới xắc. Việc xắc trước khi luộc sẽ đảm bảo miếng măng chín đều hơn, và loại bỏ được những thành phần không tốt của măng đi. Việc tiếp theo, hẳn là luộc măng rồi. Luộc thật kĩ, khi nào thấy măng mềm, vàng nhạt là được. Qua 1 đêm, măng đã ráo hoàn toàn nước. Rồi mới đem phơi! Măng khô được phơi bằng ánh sáng mặt trời, nếu gặp trời nắng to và gắt thì trung bình cần 3 ngày. Còn nếu nắng không đủ, phải cần đến 5 ngày. Việc phơi măng như thế này rất vất vả, trung bình 1 ngày phải lật miếng măng 1 hoặc 2 lần! Và đặc biệt phải dùng đũa hoặc que tre để lật, bà con bảo nếu dùng tay, măng sẽ bị lên men, nhanh mốc và chua. Lý do giải thích là “tại hơi người”, tôi phá lên cười bởi cái lí do hết sức đơn giản kia. Nếu phơi đủ nắng liên tục trong vòng 3 ngày, măng khô sẽ có màu vàng tự nhiên rất đẹp. Và rất khô, khô đến mức xọc tay vào túi măng khô chỉ thấy lạo xạo lạo xạo. 1 chiếc bao tải dạng 50kg chỉ có thể nhồi nhét được 10kg măng khô.
Mẹ tôi khi có măng khô đầu mùa đã mua ngay vài ký chuẩn bị tết và cho bàc con ở xa như lời mẹ nói ăn để nhớ tết quê nhà.
Trước 28 tết vài ngày là Mẹ tôi đem măng ra ngâm, và xã đi rửa lại nhiều lần cho măng mềm và đến ngày 28 tết sau khi cúng tất niên xong mẹ tôi bắt đầu kho măng.
Thịt heo Mẹ tôi dùng kho măng tôi thấy thường là thịt đầu và thịt ba chỉ hoặc thịt đùi. Đến mồng 2 tết là nhà tôi đã có bữa ăn đoàn tụ đầu năm và nồi măng kho thịt luôn được mọi người thưởng thức cùng bánh tráng mỏng, thịt heo chua và củ kiệu.
Cái béo béo của thịt mỡ, cùng với vị đặc trưng của măng chen lẫn vị chua của thịt và củ kiệu đã làm chúng tôi xuýt xoa: Mẹ kho măng ngon nhất. Mẹ mất, vợ tôi đãm nhận lo soong măng cho cả nhà và tất nhiên cái hương vị của món măng kho thịt đã đi suốt cùng với những năm tháng chất chồng của chúng tôi qua những cái tết ở quê nhà..


Nguồn FB Huỳnh Gia Phúc

No comments:

Post a Comment